Cái chổi Đót & Chổi Lông gà

 |  HOME  |      |  Trang chính   |

 LÊ Bình

       Khi mọi người bước vào căn nhà hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là cô bé khoảng 3 tuổi trong áo dài màu xanh lá mạ đang cầm chổi quét nhà. Hình ảnh thơ ngây của một cô bé đang chú tâm quét nhà. Cô bé bước những bước khá vững, nhẹ nhàng đưa cây chổi quét, cây chổi cao bằng tầm cô bé, những nhát chổi đưa đi đưa lại theo bước chân làm liên tưởng đến hình ảnh cô Bạch Tuyết trong phim Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Mọi người bật cười. Có người bật tiếng khen:

- Chà! Giỏi dữ ta.

Cô bé dừng tay, và chợt nhận ra có nhiều người đang vào nhà.

- Cháu cảm ơn.

- Ý mèn ơi. Biết cảm ơn nữa à. Không có chi. Cháu đang làm gì đó.

- Cháu quét nhà.

Tiếng nói của cô bé chưa đúng giọng lắm, nhưng thật rõ và dứt khoát.

Người đàn bà đang ngồi trên ghế tràng kỷ đứng bật dậy.

- Chào tất cả. Xin mời vào. Con cất chổi đi con. Con chào cô chú ông bà đi.

Bấy giờ cô bé nhìn lên và vòng tay chào khách.

- Con bé giỏi quá. Chắc bà nội dạy cháu đó phải không?

- Mời anh chị và các cháu vào chơi. Con bé nó giành quét nhà đó chớ. Nhà đã quét và lau chùi rồi nhưng nó cứ đòi nằng nặc cho được.

   Căn nhà có phòng khách nhỏ nhắn, gọn gàng và được trang trí bắt mắt. Nền nhà lát bằng gỗ, sạch bóng.

Mọi người an vị trên ghế sofa, có người bước vào nhà trong.

Người đàn bà chủ nhà rót nước mời khách.

- Con nít nó hay bắt chước đó mà. Mỗi sáng tôi đều lau chùi sàn nhà sach sẽ, nhưng hôm qua đi chợ mới biết ở đây có bán loại chỗi này nên mua về quét nhà. Anh chị còn nhớ loại chổi nầy không?

- Thì chổi đót chớ gì mà không biết.

- Ừ thì vậy. Nhưng lâu lắm tôi mới thấy nó đó. Thường khi thì tôi vẫn dùng các loại chổi làm bằng nhựa. Ở dây làm gì có loại chổi đót. Làm bằng tay đó nhé. Handmade thì giá nào mà mua cho nổi, hơn nữa làm sao cung cấp cho đủ.
Câu chuyện xoay quanh cây chổi tầm thường.
   Cây chổi ở Mỹ làm bằng nhựa dẻo, với các cộng chổi cứng đơ, và khi quét không sạch được những hạt bụi nhỏ. Muốn sạch, người ta phải lau chùi. Nhà ở Mỹ thường trải thảm, và dùng máy hút bụi. Có nhiều nhà lót sàn nhà bằng gỗ nhưng ít khi người ta dùng chổi để quét nhà.
    Cây đót cùng họ với lau, sậy; nhưng cây đót cứng và thấp hơn, đặc biệt “bông” đót dai và không mục rả cho nên được dân quê dùng làm chổi quét nhà.
  Người chủ nhà được dịp nói về cây chổi đót.

   Ngày đó, khoảng năm 75-77 gia đình bà phải đi kinh tế mới để chồng mau chóng trở về…bà đã đưa cả nhà về vùng Bù Gia Mập, Minh Hưng “làm kinh tế”.
    Bà nhớ lại “Con đường quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuộc đến Quảng Đức xuống Đồng Xoài chạy ngang qua Bù Gia Mập. Ngay ngã ba đường số 10 là xã kinh tế mới Minh Hưng.”

Bà nói: Con đường 10 là con đường nghe nói lại là con đường do bà Ngô Đình Nhu làm ra để vào Bù Gia Mập kéo gỗ. Sau 75 chỗ nầy trở nên công trường trồng cao su, và có trại “học tập” của sĩ quan miền Nam ở đó. Bà cho biết bà đã gặp nhiều “cải tạo viên” hàng ngày từ Bù Gia Mập –cách đó 10 cây số- đi bộ ra Minh Hưng làm nông trường phá rừng trồng cao su và làm ruộng.
    Bà kễ “Ngày mới đến, căn nhà trống huơ trống hoát, mái che bằng lá ở giữa rừng, con đường trước nhà bụi đỏ ngút trời mỗi khi có gió.”

   Bà đã ở đó 3 năm không chịu nổi,và chồng bà cũng chẳng thấy về như lời hứa của “Ùy Ban Quân Quản” nên năm 1979 bà đã trở lại Sài Gòn.
“Khó khăn lắm các ông bà ơi. Tôi biết làm cây chổi đót khi đi kinh tế mới. Đứa bé quét nhà là cháu nội, thằng cha nó ăn khoai mì, củ mài khi mới lọt lòng. Cha nó giúp tôi làm chổi.”

“Làm chổi để bán à?”
“Cũng chẳng phải bán buôn gì. Nhưng bạn hàng đi buôn qua lại thường ghé qua, và mua. Các ông đây có người nào đã qua trại “học tập” Bù Gia Mập” chưa?”
  Một ông trong số khách, cười : “Sao lại không. Chúng tôi từ trại Trảng Lớn bị đưa về đây vào cuối năm 77. Cái con đường bà nói đó chúng tôi đã đi qua.”

“Thế à? Vậy chắc ông biết vùng đó rồi.”

“Sao lại không biết. Mỗi ngày chúng tôi lội bộ ra quốc lộ 14 để phá rừng ươm cây cao su và trồng mì., trồng bắp.”

“Khổ nhỉ! Bây giờ nghĩ lại các ông có giựt mình không?”

   Mới đó mà hơn 30 năm rồi, nhiều ông “cải tạo” ra được khỏi tù và mang đầy tật bệnh trong người, tin được đi Mỹ, có ông làm hồ sơ xong thì chết trước khi được lên danh sách phỏng vấn. Bà chủ nhà thở dài.”Vậy mà có nhiều người đã quên rồi đấy các ông các bà ạ.. Như cây chổi đót nầy, mấy ai còn nhớ.”

   Cây chổi đót trở thành “duyên nợ” với người đàn bà chủ nhà, và từ đó bữa ăn chiều người ta nhắc lại thời “Vắt đất thay trời làm mưa” , “Bàn tay ta làm nên tất cả; với sức người sõi đá…vẫn còn nguyên”

“À mà cây đót ở đâu ta?” Một người hỏi, và nhiều người ngó nhau…cười trừ.

“Tôi không biết cây đót ở đâu, nhưng dường như vùng nào, tỉnh nào cũng có cây đót. Nhất là các tỉnh ở cao nguyên Trung Phần.”

   Cây đót? Theo những tài liệu được đăng tải trên “trời” thì có 2 tỉnh ở Việt Nam hiện nay sản xuất ra cây chổi đót. Đó là Quảng Bình và Quảng Ngãi. Có lẽ cây chổi bà chủ nhà mua ngoài chợ Việt Nam xuất phát từ một trong 2 tỉnh nói trên.
  Bản tin đăng trên trang nhà:
  http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/bao_qn/2006/10493/

có bài viết sau đây nói về cây chổi đót.

   Đang là thời điểm gần kết thúc mùa lấy đót ở huyện miền núi Minh Long, ngay từ mờ sáng, từng đoàn người lên rừng lấy bông đót, để rồi chiều về, trên vai mỗi người nặng trĩu những gùi đót. Mùa đót ở Minh Long chỉ kéo dài gần 3 tháng, nhưng đến nay đã trở thành một nghề, nếp sinh hoạt trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc H're vùng này.

   Trước đây, cây đót được bà con lấy về chỉ đơn thuần làm chổi cho nhu cầu của gia đình. Thỉnh thoảng mới có một vài người từ miền xuôi lên đây mua về bán cho các cơ sở làm chổi ở đồng bằng. Nhưng từ khi con đường Tỉnh lộ 627 khai thông, trải nhựa, điều kiện đi lại được thông thương tiện lợi thì cây đót trở thành thứ hàng hoá "ăn khách". Cứ đến mùa đót, hầu như nhà nào cũng có người đi lấy đót, đông nhất là ở các xã Long Môn, Thanh An, Long Hiệp. Cây đót được người dân lấy về đem phơi khô, bó thành từng bó, rồi vận chuyển ra trung tâm xã bán cho các nơi làm chổi. Anh Lê Xuân Dũng - chủ sản xuất chổi đót ở xã Long Mai cho biết: Vào mùa vụ (tháng 1-2 âm lịch), trung bình mỗi ngày anh mua trên 2,5 tấn đót, có lúc lên đến 5 tấn/ngày. Đó là chưa kể một số lấy đót về phơi khô, dự trữ chờ giá cao mới bán. Anh Dũng còn say sưa kể với chúng tôi: Do cây đót ở Minh Long được thu hoạch đúng vào độ chín, có màu sắc vàng óng ánh, nên chổi làm ra được người dùng ưa chuộng hơn. Chính vì vậy hiện nay, các nơi làm chổi đót ở Minh Long không đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Cũng từ khi cây đót trở thành sản phẩm hàng hoá thì 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều cơ sở làm chổi đót ra đời. Ước tính huyện Minh Long có trên 10 nơi làm chổi đót. Năm nay niềm vui của người lấy đót được nhân lên, bởi giá đót cao hơn so với mọi năm, từ 2 - 2,5 nghìn đồng/kg (đối với đót tươi) và khoảng 8.000đ/kg (đối với đót khô). Anh Đinh Văn Vế - một nông dân đã 10 năm đi lấy đót (xã Long Mai) cho biết: Ngày nào tôi hái được trên 30kg đót tươi, gùi về phơi khô bán cũng được gần 60.000 đồng. Với số tiền này, anh Vế mua gạo, thức ăn cho cả gia đình dùng cả tuần. Như vậy, mỗi mùa đót, người dân có thể kiếm được trên 2 triệu đồng. Khoản tiền tuy không nhiều, nhưng giúp người dân bớt phần nhọc nhằn hơn trong cuộc sống, nhất là ra giêng nhiều gia đình rơi vào tình trạng đói giáp hạt.

    Ông Lê Chí Khanh - Trưởng ban định canh định cư huyện Minh Long cho biết: Để tận dụng thời gian nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập cho người lấy đót, năm 2005 Ban định canh định cư huyện Minh Long đã mở lớp tập huấn kỹ thuật làm chổi đót cho 35 hộ ở xã Thanh An. Chị Đinh Thị Ni (thôn Làng Vang, Thanh An) - người tham gia lớp tập huấn bảo: Kỹ thuật làm chổi đót khá đơn giản, chỉ sau hơn 1,5 tháng học tập là tôi có thể biết cách "bện" chổi, bó dây cước hoặc dây mây... hoàn thành sản phẩm khá hoàn hảo. Với 1kg đót khô, tôi làm ra được 3 cây chổi, bán 4.000đ/cây, sau khi trừ chi phí lời được gần 3.000 đồng so với bán đót...”

    Đó là bản tin trên “trời”. Còn cây chổi đót ở chợ Việt Nam bán với giá $2.69 một cây. Và chắc chắn nó được sản xuất tại Việt Nam. Bà chủ nhà nói vậy.

“Cây chổi đót quét sạch lắm. Nó quét hết những hạt bụi li ti chớ không như cây chổi mũ.”

   Nhà ở Mỹ lót thảm, dùng máy hút bụi, thảng hoặc có nhà lót ván thì dùng máy chà láng, máy lau chùi nhà quảng cáo đầy trên các chương trình TiVi.

“Nhưng thiệt ra thì mấy cái máy đó chẳng bằng cây chổi đót. Tôi đã mua rồi. 20 đô la chớ ít sao? Nếu mà có máy hơi nước nữa thì mắc hơn.” Bà cười “Cây chổi đót là ăn chắc.”

     “Ừ nhỉ. Nhớ những căn nhà có nền nhà tráng ciment tại Sài Gòn, buổi trưa quét sạch, lau sơ qua và nằm ngửa đánh một giấc trưa, nghe vài ba câu vọng cổ thiệt là hết ý.”

Ông nọ phán một câu chắc như bắp.

“Còn nhà lót gạch bông thì sao?”

“Thì còn nói gì nữa. Quá sung sướng”

“Vậy mà tui nghe đâu như là ở Việt Nam bây giờ nhiều ông nhà giàu lại khoái lót thảm và dùng máy hút bụi cho nó …sang.”

    Cái cây chổi đơn giản, đáng giá 3 đô la đã làm cho một bữa ăn chiều có nhiều chuyện để nói. Nó gợi lại quá khứ của nhiều người, những con người Việt Nam đã sống ở Mỹ hơn 30 năm mà vẫn không thể nào quên được…những chuyện nhiều người đã muốn quên, muốn xóa bỏ quá khứ để hướng tới tương lai.

Lê Bình

 

Cây Chổi Lông Gà

Lê Bình
Trước ngày đưa ôngTáo (ngày 23 tháng Chạp) khu vực chợ Việt Nam chưa có không khí Tết, đi quanh các chợ, các trung tâm thương mại Việt như Lion Plaza, King Plaza, Paloma Plaza, Senter, Asian Plaza, Grand Centery Mall…v.v. không khí vẩn bình thường như mọi ngày, có chăng là những khách vãng lai, những người đi chợ có nhắc đến chữ Tết. Một vài chợ nhỏ có trang hoàng một it bông kiểng, đồ hàng cho Tết….bao lì-xì, lư hương, chưn đèn, nhang…và các hộp bánh bao trong giấy kiếng màu đỏ.
Gia đình ông Lê gồm cha mẹ, ông bà, con, cháu, chắt…đổ xuống một xe SUV và 2 chiếc xe nhỏ trên sân bãi đâu xe khu Grand Centery Mall. Ông Lê gom mọi người lại dặn dò và quay sang người đàn bà lớn tuổi, một cụ bà (thì đúng hơn) tóc trắng như cước, vẻ mặt hồng hào phúc hậu.
- Bây giờ con đưa mẹ đi vào đây thăm chơi chút xíu, lát nữa con đưa mẹ đến những chỗ khác.
Bà cụ mĩm cười hiền hòa không nói gì. Cả nhà đi vào khu trung tâm thương mại. Đi qua các dãy hàng bày bán trong các gian hàng cửa kiếng, các gian hàng rực sáng đèn…bà cụ im lặng thủng thỉnh, nhàn nhả đi dọc theo các hành lang và quan sát. Đến khu hàng ăn, bà cụ nở nụ cười. “Chà! Đặt tên cũng hay đó chớ. Cũng còn nhớ quê đó chớ.” Bà đưa mắt nhìn các hàng quán ăn uống trong khu Food Court mang các tên gọi Việt Nam như Hàng Xanh, Ninh Kiều…
- Mẹ ăn uống chút gì không? Ông Lê hỏi bà cụ.
- Thôi, mẹ chưa đói.
Đi quanh một lúc chưa đến nửa giờ bà cụ đã quay về “chốn cũ”.
- Coi vậy mà cũng nhỏ thôi. Mẹ cứ tưởng lớn lắm. Ở Sài Gòn bây giờ cũng nhiều lắm…Khu thương xá Tax đã mở cửa lại rồi lại thêm khu vực Continental, Tự Do…rồi Diamond đâu có thua gì ở đây.
Đối với những ai chưa về Sài Gòn thì không biết bà cụ nói gì, có mấy người con của cụ có về thăm gật đầu cho mẹ vui; ông Lê thì giấu nét khó chịu ậm ừ.
Bà cụ quay qua ông Lê “Sao con không về thăm chơi cho biết” Ông Lê cười “Mẹ thấy đó, con bận bịu quá không thể đi được…hơn nữa đợi mấy đứa ra trường xong đâu đó thì con sẽ về.”
Bà cụ cười “Đợi mầy về thăm má thì má theo ba mầy rồi. Tao nhớ mầy với đứa cháu nên tao phải qua thăm.”
Ông Lê đáp “Dạ.” và im lặng. Mấy nguời em của ông bấm tay nhau cười, ông Lê quay lại nhíu mày.
     Những người bạn đến thăm nghe kể chuyện như vậy đều cười. Ông Lê là trưởng nam của gia đình, ông còn mấy người chị. Gia đình bà cụ-mẹ ông Lê-khá giả, ông thân sinh ra ông Lê là công chức thời đệ I Cộng Hòa, làm việc ở Bộ Nội Vụ. Sau năm 1975 ông uất ức sanh bịnh Parkinson tay chân cứ rung rung không cầm đủa chén gì được phải nhờ con cháu đút cơm cho ăn, sau đó ông qua đời. Gia đình con cái có đứa ra đi, có đứa ở lại. Riêng bà cụ quyết định “ Tao ở lại khi ba mầy không chịu đi.” Mấy người con gái ở lại cùng mẹ, những anh con trai ra đi. Hiện nay gia đình của các con cái của bà cụ có mặt từ Canada qua Úc đến Hoa Kỳ. Sau năm 1975 mặc dù bị mất hết tài sản, gia đình bà cụ vẫn sinh hoạt như mọi người. Các chị gái của ông Lê và gia đình về quê rồi trở lên Sài Gòn, họ xoay đủ cách để sống, hiện nay đã ổn định và có thể nói đã trở lại nếp sống cũ. Nhà bà cụ ở đường Hoàng Hoa Thám, Gia định, vẫn thâm nghiêm và cô tịch giữa những thay đổi của xã hội. Bà cụ hãnh diện với con cái về điều nầy. “Má không làm gì được như ba mầy, nhưng má cũng phải giữ cho ba mầy chớ. Giỏ rách cũng còn bờ tre.”
      Các anh em nhà ông Lê kể rằng ông chưa bao giờ về thăm mẹ ông, các em ông đi nhiều lần, ông không phản đối nhưng cá nhân ông nhất định không về. Anh em nhà ông Lê đã nhiều lần tranh luận về chuyện nầy. sau cùng anh em đồng ý “hồn ai nấy giữ” nhưng tình anh em không được bất hòa. Mẹ của ông Lê biết tánh thằng con trai của bà. “Má biết tánh của nó, cứng đầu lắm. Má biết nó giống ba tụi bay. Nó không về thăm thì tao tìm cách tao qua.” Bà nở nụ cười phúc hậu. “Mỗi đứa trời sanh mỗi tánh. Má chỉ xin các con là không mất tình anh em, trên dưới phải nghe lời má có chết cũng mãn nguyện.” Điều nầy bà cụ đã mãn nguyện, các anh em nhà ông Lê không cùng suy nghĩ nhưng vẫn thương yêu và kính trọng trên dưới thuận hòa.

“Tao thương thằng Tư nhứt vì hồi còn nhỏ nó bị đòn nhiều nhứt. Cái cây chổi lông gà lúc nào cũng để sẵn trên đầu tủ.” Bà cụ trầm ngâm một lúc…”Nghĩ lại sao hồi đó má đánh đòn thằng anh của tụi bay nhiều hơn hết. Tao cũng không biết tại sao.”
      Thằng cháu đích tôn của bà cụ đã có vợ có con…nó hiểu nhưng đứa chắt của bà cụ lại thắc mắc “Cây chổi lông gà để dành cho ông nội là sao hả bà cố?” Bà cụ cười hiền “Là để dành quét bụi trên bàn thờ, trên sập gụ, tủ chè…” Thằng bé không hiểu, cha của nó vào trong lấy cây chổi lông gà ra quét cho nó thấy…như vầy nè. “Con biết rồi, như vậy là ông nội có cái “duty” quét bàn thờ…như con vậy.” Thằng anh của nó giải thích thêm cho nó biết bà cố dùng chỗi lông gà đánh đòn ông nội. Thằng bé trợn mắt kinh ngạc “Đánh bằng cây nầy?” Bà cụ cười vuốt má của nó “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi đó con”. Cha đứa bé phải giải thích “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”cho nó hiểu. Sau khi nghe ra nó phán một câu “child abuse” làm bà cố bật ngửa.
     Không ai muốn đề cập đến chuyện “dạy con”. Thằng bé thì không chịu, nó nhìn cây chổi lông gà chau mày. Đã hơn 10 tuổi, học lớp 5, thằng bé nói thông thạo 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên, nó không hiểu nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt. Thằng bé đi tìm mẹ nó để hỏi “Mẹ có bao giờ sẽ đánh con bằng chổi lông gà không hả mẹ?” Bà mẹ cười “Không bao giờ.” “Thế ở VN bây giờ còn đánh bằng chổi lông gà không hả mẹ?” Mẹ nó im. Nó hỏi tiếp “Tại sao phải đánh bằng chổi lông gà hở mẹ? Người làm ra cây chổi bằng lông gà để đánh trẻ con hả mẹ?”…Nhiều câu hỏi mà người mẹ trẻ không trả lời được.
    Cây chổi lông gà đã có từ lâu trong các gia đình Việt Nam. Để làm một cây chổi lông gà, trước tiên phải phơi lông gà thật khô, loại lông đuôi gà trống màu nâu thì để nguyên, nếu là lông gà màu trắng thì nhuộm màu, phơi thêm một nắng nữa rồi dùng dây chỉ xỏ thành từng sợi, quấn chung quanh những đoạn cây mây dài 3 tấc rưỡi (3.5) hoặc 6 tấc rưỡi (6.5) hoặc dài hơn tùy loại chổi lớn hay nhỏ, dài hay ngắn.
    Cây chổi lông gà là như vậy. Việc giáo dục trong gia đình ở VN thời xưa, cha mẹ đánh con cái bằng roi mây…và cây chổi lông gà ở trong nhà là “phương tiện” gần gủi nhất. Người Việt nào cũng có ít nhiều kỷ niệm về cây chổi lông gà (thay cây roi mây) đét vào mông.
     Ông Nguyễn Văn Thành trong Đặc san Ất Dậu 2005 có viết vể cây chổi lông gà chi tiết như sau: “Cán chổi làm bằng cọng cây mây có lông gà bện chung quanh, chiều dài ước lượng từ 8 tấc đến 1 thước. Chổi được chia thành hai phần: phần có lông gà để quét hay phủi và phần cán để cầm. Lông đuôi gà cồ nằm ở phần đầu, còn lông mã (lưng) và lông cổ nằm phía dưới. Ngoài lớp dầu hắc trét đều xung quanh cán để giữ chặt lông gà, cũng có thêm vài vòng chỉ cột chặt chân của lông gà sát vào cán chổi. Chổi lông gà rất tiện lợi được dùng trong nhà để quét bụi đóng trên đi-văn (divan), bàn, ván, đẩu, trang thờ hay bàn thờ…

     Chổi rất thị uy bởi quyền lực mạnh mẽ của nó, đã được vua Lê Thánh Tôn coi như là một vị tướng được Trời cử xuống trần gian quét sạch nợ trần trong bài "Vịnh cây chổi" trích đoạn như sau:

"…Lệnh chúa ban truyền xuống ngọc giai

Cho làm lệnh tướng quét trần ai
Một tay vùng vẫy trời tung gió
Bốn bể tung hoành đất sạch gai…"
      Ngay cả Âu Tây và Âu Mỹ chẳng hạn xứ Anh, Mỹ có truyền thuyết cho rằng cái chổi của mụ phù thủy (Witch) rất linh thiêng và câu chuyện ma quái này đã được in thành sách tập đọc dành cho con nít thuộc bậc mẫu giáo. Mụ cỡi trên cây chổi huyền bí này khi cần bay từ nơi này đến nơi khác trong đêm lễ Ma Quỷ (Halloween) ở Mỹ.
     Thật vậy, quyền uy của cây chổi được thể hiện qua câu: “Ăn chổi chà" hay “Cho ăn chổi lông gà” khi người nói muốn hăm dọa kẻ khác có ý định bén mảng đến gần.
     Cây chổi lông gà đặc biệt làm cho trẻ con phạm lỗi sợ nhất; sợ đến điếng người khi cha hoặc mẹ cầm cây chổi lông gà lộn ngược để lộ phần cán cây mây khẽ lấy lằn trên mông, và hãi đến độ xanh mặt khi bị chổi lông gà "nhá nhá", "nhịp nhịp" trên mông…. cũng mong cho con mình sửa lỗi sai nên người.”
    Ông Lê đưa mẹ và gia đình đi chơi thăm viếng khắp nơi, đưa đến khu cờ bạc Las Vegas, Disneyland, đi Nam California…v.v. Càng đi bà cụ càng thấy sự rộng lớn, bề thế, giàu sang…của nước Mỹ. Bà cụ cười:
   “Ông bà mình nói không sai chút nào.”

“Nói sao hả mẹ?”

“Thì đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”

“Má thấy làm sao hả má?”
“To quá! Lớn quá! Họ quá giàu sang, thiệt là giàu sang.”
Ông Lê mĩm cười nhìn bà cụ “So với Sài Gòn bây giờ ra sao hả má…có giống Diamond, Tax, Continental không má?” Bà cụ quay nhìn người con trai, bà nhìn thật lâu…bà chậm rải:
      “Má sanh ra con nên má biết ý con. Má không buồn vì câu hỏi của con đâu. Không ai thương con bằng mẹ đâu các con à.”
       Mấy người em quay lại nhìn anh:

“Anh Tư à, anh mà còn như vậy thì tụi em sẽ đi về ngay.”
    Người em trai kế ông Lê nói với bà cụ:

“Má à, anh Tư muốn ăn mấy cái chổi lông gà đó má.”
     Bà cụ cười hiền: “Má gần đất xa trời rồi. Má đâu có còn gì mà giận với hờn. Má vẫn thương nó nhứt nhà.”
    Ông Lê cúi đầu nhìn chân mẹ: “Con xin lỗi má. Già đầu mà chưa nên nết. Má đánh con bằng chổi lông gà là đúng quá đó má à.”

 

Copyright by anloc471.com 2009. All Rights Reserved. Design Ngan323