Chuyện Lặt Vặt

 

 

    Kho Vựa Sài-Gòn

Chuyện LẶT VẶT   -   Cốc Chủ

 

  Bến Bình Đông
Sài Gòn nằm trên vùng đất… hơi bị thấp, vì vậy, có nhiều kinh rạch, cho nên, hồi xưa, vận chuyển bằng ghe xuồng là thuận tiện nhứt ...
Ở đây, chỉ kể một đoạn ngắn trên con kinh chạy ngang qua cầu Chà Và…
Hồi đó, cách nay gần nửa thế kỷ… xa xưa lắm rồi…
Ở miệt Phú Định - Rạch Cát có nhà máy xay lúa Tín Đức, ông chủ nhà máy là ông Nguyễn văn Mười Ba, tên ông nghe… ngộ ngộ…
Ông Mười Ba nói, anh chị em ổng tới 14 người con, ông là đứa con thứ 13, cho nên “ông già Tía” đặt tên ông theo “thứ” (tự) của những người con…
Ông chủ Mười Ba mập, hơi ụt-ịt… chút xí, nhưng rất vui tánh…
Đặc biệt, ở nhà máy xay lúa của ông Mười, tất cả mọi sửa chữa của nhà máy xay lúa, đều do gia chủ đảm nhiệm !
Ông Mười (Ba) có đủ đồ nghề, cho nên hàn, tiện, sơn xi… đều do ông Mười ra tay!
Ông Mười tự làm ra chiếc xe đạp bằng "i-nox"… để chạy chơi, nhưng hơi nặng kí lô!
Trước cửa nhà máy xay lúa là con sông trong veo và nhà máy xay nầy chạy bằng mô tơ điện loại 75 ngựa, nghe nói mô tơ nầy của Ấn Độ (?) chạy cả tháng mới nghỉ để… thổi bụi trong cuộn dây, do đó, mới thấy dây quấn ruột mô tơ… bự cỡ… chiếc đũa, màu xanh két, khi "đề pa", điện mô tơ… hút làm rung rinh dây dẩn vô nhà máy và lúc đó, điện trong xóm… nhá-nhá… muốn tắt luôn…
Từ nhà máy Tín Đức đi tới cái cua sông, bên kia là chợ Rạch Cát… xéo bên nầy là nhà máy bánh tây Lubico (công ty Kucky Biscuits) nhà máy có kiểu quảng cáo bánh tây… tân tiến rất hay ho, vì ở mấy kho gạo, Lubico đều để bánh tây trong thùng thiếc, ngoài in nhãn hiệu Lubico, bên trong để đủ loại bánh tây của nhà máy làm ra và cho bà con… vác kho hoặc ghe tàu tứ xứ, ăn… tự do để quảng cáo, thợ thầy…. ăn (thử) bánh tây cho đã đời… rồi mấy chả… gọi là “ăn bánh chùa”!
Hết thùng nầy, nhà máy thay thùng khác! Cách làm nầy… hay thiệt đó!
…. Ta tiến từ từ vô Chợ Lớn…
Hai bên con kinh là hai con đường tráng nhựa cho xe hơi chạy và là Bến Neo của ghe xuồng, gồm ghe  tam bản, ghe bầu…
Tất cả các ghe, trước đầu ghe, đều có…2 con mắt ghe, nếu chiếc tam bản, ghe bầu… hỏng có mắt, thì ghe sẽ… hỏng thấy đường và khi vô bến, thế nào cũng nó bị… máng tứ tung! (?!)
Đường hai bên con kinh, đó là đường bến Lê quang Liêm và đường bến Bình Đông.
Ở đường Bến Lê quang Liêm có nhà máy Long Vũ, là nhà máy dùng… lông vịt để dệt len mền, chiều chiều nhà máy… xì ống khói, mùi lông vịt bay vô lỗ mũi đầy ngập!
Kế đó nhà máy rượu Bình Tây, đây là nhà máy sản xuất “rượu tên tây” bán khắp chỗ và khi thợ nhậu cầm “chai bình tây” rót nhẹ vô ly… cho bạn hiền, bạn hiền nói luôn:
        - "Rượu bình tây… đong đầy mới uống…"
Nhà máy Bình Tây còn có tên… giang hồ là Nhà Máy Rượu!!!
Nhà máy nầy nấu rượu bằng trấu thải ra từ những nhà máy xay lúa…
Bến nầy còn có Kho bao 406 (đọc là kho 4 lẻ 6) là kho chứa bao lớn nhứt Sài Gòn, đó là “bao sọc xanh” cũng là “bao bố”, bao nầy chứa 100 ký gạo, bao bố nặng 1 ký, khi bao đầy gạo, cân đúng 101 ký lô, còn “sọc xanh” là bao có dệt 1 đường chỉ bố màu xanh chạy từ đầu tới đáy bao…
Bao bố nầy dệt bằng vỏ cây bố (?)… nên, có thể làm võng… đưa em, rất êm lưng!
Cứ 9 cái vỏ bao, bỏ vô 1 cái bao, gọi là “tùng” và 10 tùng là 100 cái bao, bao chất trong kho cao như núi để bán cho nhà máy xay lúa dựng gạo hay lúa .
Rồi tới kho gạo 282… và hai bên bến, còn nhiều kho & vựa nơi khác nữa…
…. như bên bến Nguyễn Duy có kho 400, kho nầy nằm gần cầu sắt, ở đây có con đường tắt, qua chợ Xóm củi… vv…
Ở trên con đường đi tắt nầy, có ông thầy, bán thuốc viên, cho con nít đau ban, uống rất công hiệu …
Bên bến Bình Đông thì có chợ Rạch Cát, rồi tới kho ve chai của ông Lý Sen, tới kho gạo Hữu Thành, chủ kho nầy là cậu Lâm Kiên, con của ông Lâm Vĩnh Cương cũng là chủ hãng nước tương Con Mèo đen ở chợ Xóm Củi …
Em gái Lâm Kiên là cô A Phón … mần thơ-ký cho kho Hữu Thành ….
Cô “thơ ký” A Phón … cũng đẹp đó nhen !!!
Độc đáo là … trước khi cho con làm thơ ký … nhà mình, ông Lâm Vĩnh Cương cho A Phón… mần thơ ký … hãng khác tới 2 ba năm… để luyện tay nghề !
Ý là... nếu thơ ký … làm sổ sách sai hoặc dở, thì … hãng xưởng khác lãnh đủ, tới khi mần “thành thuộc” rồi, đem con gái về làm thơ ký… kho nhà, là ông già an tâm!!!
Số điện thoại… xưa có 4 số, mà số telephon  của kho Hữu Thành là 3604….
Ông chủ kho để cho con gái mình… đi mần mướn như vậy… thiệt là “hết ý” luôn nha!
Kho Hữu Thành… dài nhằng, kho có tới 6 cửa kho, nên rất tiện cho việc xuất nhập gạo.
Ở bến Bình Đông, có nhà máy xay lúa Phong Thạnh rất lớn, xay ngày đêm 24 tiếng được 5000 bao gạo, nghĩa 500 tấn!
Lúa vô kho là lúa vô bao, bao lúa nặng cở sáu bảy chục ký.
Theo “tỷ lệ xay xát” thì cứ 100 ký lúa đem xay, cho ra từ 70 tới 72 ký gạo, tùy theo giống lúa, nghĩa là mất đi cở ¼ trọng lượng ban đầu => 100 – 75 = 25.
Số 25 ký “mất đi” này là trấu + cám…
Cám nầy gọi là “cám xay” có lộn “trấu càn” dùng nuôi heo hay vịt…
Gạo cũ, muốn cho “sáng gạo” để dễ bán thì cho vô máy… xay sơ sơ gọi là “lau gạo” có nghĩa là…chùi bóng hột gạo, phần…”bụi bám” nầy gọi là “cám lau”…
Cám Lau nuôi heo gà không “bổ” bằng Cám Xay, vì trong cám xay còn cám 100%.
Gạo Lức là gạo xay chỉ “tróc vỏ trấu” nên còn nguyên chất cám quanh hột gạo nên Gạo Lức có màu… xấu xấu trắng đỏ, nấu ăn nhám xàm…
Ai bị bịnh “phù thủng” ăn cám gạo lức hay gạo lức thì… hết phù! (?)
Vì trong cám đó còn nguyên vitamin B on (1) Bê sít (6)… B đui (12)…
Lúa vô kho ở đây thường vô bao, còn ở Miền Tây, ở Giá Rai chẳng hạn, lúa ít khi vô bao, vì mua lẻ từng giạ, nên đổ thẳng vô “Chành” gọi là “đổ xá” hay Lúa Xá.
…. “nhà” chứa lúa xá nầy, gọi là Chành Lúa.
     Chành Lúa không tráng đáy chành bằng xi măng mà thay vào đó là lót trấu…
Và kế là kho bột mì Sakybomi (viết tắt Sài Gòn Kỹ Nghệ Bột Mì)
     Kho bột mì nầy cũng rất lớn… để bán bột mì cho tiệm làm bánh mì bánh ngọt vùng Sài Gòn và phụ cận…nhân viên làm việc, mặc đồng phục toàn trắng… như dân chơi tennic…
Và có mấy cái cầu … hỏng có tên, chỉ có số, đó là cầu số 1 số 2 số 3…
     Đây là cầu cây ván… đóng đinh, hình chữ U bắc… cao dựng ngược để cho ghe qua cầu, nên khi xe hơi qua cầu, cầu… kêu rầm rầm rất… khó ngủ trưa !!!
Hai bên bến sông (kinh) còn nhiều kho, vựa nằm kế nhau, nằm dài dài…
     Sài Gòn có 18 kho gạo loại lớn… bành ky nái và 1 kho bao... ngoài ra còn không biết bao nhiêu vựa gạo xen lẫn trong chợ và những nơi khác…
     Gạo trong kho, được chất trên dàn ba-lét, thành “cây gạo” hình tháp vuông… cụt đầu, cao 18 trái (bao) đó là “qui luật”, hỏng ai chất bao gạo cao hơn!
Gạo được để trên “ba lét” bằng cây, có khoảng trống để gió… thông thương không làm ẩm gạo trong “cây gạo”…
Gạo có độ ẩm 12% là đúng “tiêu chuẩn” tồn trữ.
Khi gạo để lâu bị mọt ăn, thì trùm bao ny lon kín cây gạo, bỏ vô 4 góc 4 viên thuốc “xông gạo” của Tây-Đức, ba ngày sau, mọt chết hết, nếu có chuột, chuột cũng… khô queo, chết ngắt… vì da teo nhách đen hu !!!
Phần trên là nói… đại khái về “kho”…
Phần dưới cũng nói đại khái về “vựa”…
Vựa là “chỗ chứa tạm thời” những loại cây trái từ miền tây, do ghe xuồng đem lên Sài Gòn… để bạn hàng đem bán khắp nơi…
Ví dụ như Vựa Cầu Ông Lãnh chứa “đồ la-ghim” từ Đà Lạt xuống hay trái cây từ Miền Tây do ghe lên “để đó” tại Vựa.
Chủ hàng “chạy mối” bán và Mối Lái tới Vựa chở đi “bỏ mối” chỗ khác…
Đại khái là vậy…
Khi bán hàng xong, chủ vựa “lấy tiền gởi vựa”(tiền cò?)… bỏ túi, chờ ghe khác lên…
Nền kinh tế cứ thế mà… chạy đều đều…
Nói về Kho Vựa, thì chỉ có 2 Kho là “nổi tiếng” là Kho 5 (kho số 5) dọc theo bờ sông Khánh Hội, dãy kho nầy có 8 (?) cái kho, mà nổi tiếng là Kho 5…
Nhưng chưa bằng, cái kho… bự, đáng giá đồng tiền bát gạo là Kho Xăng Nhà Bè…
Viết ba-sạo mấy dòng về kho vựa Sài gòn… tới đây là… hết ý!!!

 
                                   
Chàng Hiu 374 

     

TRANG CHÍNH

Copyright by anloc471.com 2009. All Rights Reserved. Design Ngoc341