Chuyện Lặt Vặt

 

  Món Ăn Dân Giả

Chuyện LẶT VẶT   -   Cốc Chủ
 
 
 
Củ Mì… là Khoai Mì, còn được gọi là Sắn.
Khoai Mì có nhiều loại.
Nhưng tựu trung có 2 thứ: Thứ để làm bột và thứ dùng luộc củ để ăn chơi.
Củ Mì làm bột…
Đó là “mì 3 chia” là loại mì lớn cây, lớn bẳng cổ cẳng, thân (ngọn) cây lại ưa chia 3 nhánh, loại nầy cho củ bự kền và nếu “rắm củ” để lấy bột là “đặng bột” nhứt hạng.
Vì có thân 3 chia, lại bự cây, nên bà con dùng làm trụ để kê lu nước uống và nước lu, phải uống bằng gáo “mới thấy” nước lu nó ngọt, thế mới… lạ kỳ đó nhen.
Cây Mì loại 3 chia, củ rất lớn, nhưng củ hay có xơ, luộc ăn có vị… hơi hơi đắng, nên ít ai ăn củ mà chỉ dùng cây để làm trụ hàng rào cho không bị mục…
Còn củ “mì thường” trồng để ăn củ luộc, thì… như vầy:
Khoai mì trồng đầu mưa, tới cuối mưa là củ đã “đúng lứa” và có thể nhổ cây lấy củ…
Mì là loài cây sống dai, một khúc thân cây, phơi cả mùa nắng, chưa chắc đã khô, khi mưa xuống, khúc thân đó nhảy tược và thành cây mì… nhưng hỏng có củ, muốn mì có củ, phải vun mì thành dòng (luống, hàng) thì mì mới ra củ!
Muốn làm củi, phải róc vỏ thân, phơi ngoài nắng thì cây mới chịu khô để chụm lửa.
Củ Mì ngoài cách luộc chấm muối ớt, hay “rắm” để lấy tinh bột hoặc “mài” để làm Bánh Ít Bột Mì…vv… rồi thì, củ mì còn có cách ăn khác nữa đó… sẽ nói sau.
Nói sơ về vài món ăn…xđạm bạc của bà con ở nông thôn hồi xưa…

Ngoài những “món ăn dân giả” như Rau Càng Cua trộn giắm+hột gà luộc là món ăn rất ngon, mà hỏng phải lúc nào cũng có sẵn để ăn, vì Rau Càng Cua chỉ mọc chỗ ẩm, chỗ thoáng, trong bóng mát, không ai trồng, do nó tự lên, do đó, muốn có “món ngon” này, phải chờ nó lớn, hay… chịu khó đi kiếm nó trong hàng rào hay trong chậu kiểng…

Còn phải nói tới món Mướp Khía non, gần tới lứa, đem nướng ăn để… giải khát, vì nó ngọt như…đường phèn, mà thằng ông cố nhỏ rắn-mắt nào… cũng khoái chỉa (nghĩa là ăn trộm đó… hehehe) để nướng ăn cho đã cái họng… lúc trưa hè oi ả…

Kể luôn là… Khoai Mỡ: Ruột trắng và Khoai Tím: Ruột củ có màu tím.

Khoai Mỡ, cùng họ với Khoai Tím, nhưng ruột củ có màu trắng điểm tím.
Dùng để nấu Canh Khoai và cho hương vị giống nhau:
Canh Khoái Mỡ, Khoai Tím… nhão lền, nên khi ăn cơm với canh 2 loại khoai trên, con nít… khỏi nhai, chỉ lo… lua cơm rồi nuốt.(?!)
Riêng Khoai Tím thì cuối mưa, dây tàn khô lá…

Lúc ấy, Khoai Tím có “dái” đeo theo trên dây, treo tòn ten trên giàn, hái dái nầy, lớn cỡ ngón tay cái, chân cái, đem luộc, thì ăn thấy… dẻo nhẹo, ngọt, bùi bùi, còn ruột dái thì toàn màu tím… tím hơn mực tím, dùng để gầy giống năm sau là thượng sách.

Ngoài những “thứ củ” kể sơ bên trên…

Bà con nông thôn, còn bầy vẽ… thêm, để chế Củ Mì ra 2 Món Ăn Dân Giả…
Đây là 2 món ăn “vô tiền khoáng hậu”, cũng bởi ít người… hỏng ngờ có nó(??!!)
Đó là Bánh Cay và Củ Mì Trộn Mỡ.
      Bánh Cay:
Bà con Miền Nam xa xưa…
Ở nông thôn ai cũng có ruộng và vườn, người vài mẫu, kẻ vài ba chục cao đất…
Ruộng, mưa thì cấy lúa, cắt lúa xong, trồng bắp, thuốc Gò, khoai môn, đậu phộng…
Vườn thì mùa nắng bỏ hoang… để cột bò, nên con nít rảnh… đi bắn chim lòng vòng!
Khi mưa xuống, những miếng vườn lớn, có trồng tre để làm ranh hay vườn lớn cỡ vài ba mươi cao (cao=100m2) thì trồng Bầu, Bí Rợ, Bí Đao, Mướp, Đậu Que…vv…
Riêng Khổ Qua, chỉ trồng khi gần Tết, để làm món Khổ Qua Hầm… ăn bậy bạ trong mấy ngày Tết… cho xôm.
Riêng Bí Rợ, nếu cắt ngọn luộc, thì có món “đọt bí luộc” để ăn cơm với nước mắm dằm Cá Trê Chiên là… hết ý nha. Nó đó bà con… Nó đó… Món Ngon đó.
Một khi ruộng đã cấy hái xong, bà con bắt đầu “trồng đồ hàng bông” và trồng “rau cải” trên vườn… Gọi là Làm Rẫy (Trồng Rẫy hay Rẫy Bái)
Sẳn đây… =><o>… nói luôn về lai lịch tên Chợ Rẫy của nhà thương Chợ Rẫy.
Chợ Rẫy là chợ bán đồ Làm Rẫy (trồng rẫy ở Hóc Môn, Gò Vấp, Đức Hòa…)
Trồng Rẫy là trồng “đồ có trái” như Bầu Bí Mướp Dưa Leo… (gọi là Đồ Hàng Gông) và cũng trồng luôn Rau gồm rau tía tô, rau húng cây, rau dấp cá, rau dền…
… rồi còn trồng Cải là cải sà lách, cải ngọt, cải bẹ xanh… (gọi chung là Rau Cải).
Nói chung, Trồng Rẫy (làm rẫy) là trồng Rau Cải + Đồ Hàng Bông…<<>>
Riêng “đồ hàng bông” phải có riêng giỏ bằng trúc, tre và có tên là Giỏ Hàng Bông.
Vì bầu bí mướp rất nặng ký lô, nên phải làm riêng cho nó cái giỏ cho cứng và chắc mới chịu nổi, giỏ nầy cũng đựng luôn Rau Cải.
Vậy nhà thương Chợ Rẫy được cất trên nền của Chợ Rẫy (bán đồ rẩy) năm xưa…
Do đó “trồng rau cải” và “trồng đồ hàng bông” là trồng hai thứ… khác xa nhau lắc!
Hồi ấy… đất vườn rộng thì trồng: Bầu bí, mướp khía, đậu búng, đậu que…
Còn miếng đất trống xung quang nhà, thì lên dòng, trồng vài dòng mì, khoai lang, khoai tím, củ từ, hoành tinh (bột hoành tinh làm hồ dán diều)…
Khi mưa dứt hột, cuối tháng 10 ta, thì đào khoai, đem vô trong nhà để dành.
Riêng cây Mì thì để nguyên cây tại dòng, khi cần mới đào, để củ không bị khô.
Qua mùa nắng, tháng 2 tháng 3, muốn ăn củ mì cho ngon, thì lựa Củ Mì tới lứa, thường là củ có bột, luộc lên ăn với muối ớt, ăn nghe cay cay… thì trúng bài rồi.
Muốn “chế biến” củ mì để làm bánh…
Thì dùng tấm thiếc đục nhiều lỗ, rồi “mài” củ mì trên đó, sẽ có “bột mì”…
Còn củ mì “sượng” là loại củ luộc xong, nó “hơi cứng”, giòn, chấm muối ớt ăn rất ngon, Củ Mì bị Sượng là do đọt cây bị gãy ngang hoặc gốc mì… nhổ không kịp bị “úng nước” trời mưa, lúc nầy, có khi nó bị “chạy chỉ”, củ mì chạy chỉ… thì bỏ thôi.
Làm Bánh Cay.
Khi đã mài thành bột mì thì trộn vô một ít muối cho vừa ăn (luộc củ mì cũng bỏ muối)    
Lấy tay vắt từng cục bột lớn, để rỏ bớt nước trong bột mì, sau đó tán ra cho tơi, rồi trộn vô một xí mỡ heo, đặc biệt trộn vô bột mì… kha khá ớt hiểm… đã bầm nhuyễn.
Còn phải thêm muối… đủ xài, để khi ăn, nó có vị măn mẳn (đặm), mới ngon…
Bột mì trộn xong, bỏ vô thau, lấy muỗng múc một miếng bột, bỏ vô lòng bàn tay, rồi ém cho miếng bột thành “lọn” nằm gọn trong 4 ngón tay, bự cỡ ngón tay…
Làm Lọn Bột như vầy… hỏng phải dễ:
Khi cục bột nằm trong lòng bàn tay, 4 ngón phải nắm cuộn lại rồi nắn ép… cho tới khi hai đầu cục bột thành hình nhọn và cục bột thành “con nhộng” mà thân nhộng phải có… khấc, có khía như mướp khía, khía càng sâu, đầu càng nhọn, thì khi chiên nó mới giòn, thấy mới ngon, phải “nắn” bột đúng như vậy, khi ăn mới… y như trong kinh!
Bởi vì… trộn bột mì với muối rồi phải có ớt cho cay… nên mới gọi là Bánh Cay.
Trong Bánh Cay chiên, phải có dăm ba miếng ớt đỏ đỏ, là đúng… công thức.
Bắt chảo mỡ lên (chiên mỡ ăn béo hơn dầu), đợi mỡ sôi, thả bột mì vô chảo mỡ…
Khi chín, cục bột nổi lên vàng khè, thì vớt ra để nguội trong rổ, sau đó… là xơi!!!
Lưu ý… khi tổ chức làm Bánh Cay, yên chí, con nít bao thầu hết ráo:
Từ chuyện nhổ củ mì, lột vỏ nè, rồi mài củ nữa… tụi nó dành nhau làm mau lắm đó…
Bởi làm mau… thì tụi nó… mau có ăn… hì hì…
Khi ăn, là ăn giữa trưa nắng chang chang, ngồi trong nhà ăn bánh cay là số dách.
Bởi hả họng, cắn vô 1/3, nhai nghe dòn rụm, trước tiên nghe mặn mặn, sau đó tới “cay cay” rồi nghe thơm lừng mùi bột mì… ta nhai từ từ, cái cai nó thấm vô lưỡi, nuốt nhẹ nhẹ… thì nó ngon cách gì và… bắt buộc, mồ hôi lưng… rịnh ra liền khi ấy!
Ăn tiếp nữa, thì tới mồ mẹ mồ hôi con tuôn ra đầy mặt, lỗ mũi tươm mồ hôi, rớt xuống đất, mồ hôi trán túa ra, lăn qua gò má xuống cằm, cuối cùng, mồ hôi tuôn… xối xả, ở trần ăn trong Bánh Cay với “hoàn cảnh” nhểu nhảo như vậy… mới điệu nghệ giang hồ!
Với lại, ăn xong, cái miệng, cái môi… nó cay… muốn xệ xuống cằm, chu mỏ hít hà liên tu, thì mới thấy, thấy… nó nhớ tới già!!!
     Củ Mì Trộn Mỡ.
Đây là món ăn “đơn sơ” nhưng… ăn rồi, hỏng ăn nữa… nhắc lại thấy thèm!!!
Món nầy cũng để ăn trưa, thay cơm.
Phải nhớ, món nầy dùng củ mì “nhổ lên làm liền” mới… đúng điệu văn gừng.
Lựa bụi mì nào không có cây gãy ngọn, vì gãy ngọn, củ bị sượng.
Lột vỏ, rửa sạch rồi luộc, bỏ vô mồi luộc với một ít muối…
Khi củ mì chín, đem ra lột bỏ “chỉ” trong củ mì, sau đó lấy đũa bếp đè, nghiền, ép làm sao cho củ mì bể hết, không còn “lục cục lòn hòn” là được.
Sau cùng, lấy mỡ heo và hành ta chỉ có lá, củ nhỏ (hành hương) là loại hành chỉ trồng trên Giàn Hành… làm món “mỡ hành” như mỡ hành để ăn với Cơm Tấm.
Lấy mỡ hành trộn đều vô thau củ mì ban nãy, phải trộn đều cho mỡ hành thấm đều khắp trong thau củ mì…
Sau cùng, hái lá Lốt (lá cuốn món Bò Cuốn Lá Lốt) đem vô… để đó chuẩn bị…
Rồi còn phải đâm tộ nước mắm thắm cho ngon…
Pha chế sao cho giống y tộ mắm thắm chấm Bánh Xèo.
Giữa trưa, ngồi xung quanh thau Củ Mì Trộn Mỡ:
Lấy đũa vít một cục mì bỏ vô 2 lá lốt, không có rau nào khác ngoài Lá Lốt.
Sau đó cuốn lại, cho cuốn lớn cở 2 ngón tay, rồi nhớ, chấm… lút cán…bcuốn lá lốt vô tô nước mắm đâm ớt tỏi chanh, rồi bỏ vô miệng nhai…
Đầu tiên là mùi lá lốt nó quyện lên mũi nghe thơm thơm tới cái béo béo, dai dẻo của củ mì… nhai hoài, ăn hoài, nhớ hoài…
Giữa trưa nắng nóng, ăn xong, uống tô Trà Huế nóng hổi, mồ hôi tuôn ra… ướt nhẹp, leo lên võng… nằm tòn ten, để nghe cái cay cay trong họng còn… tê tê vương vấn!!!
Tự nhiên… nghe mát cả người…
Hai món Bánh Cay và Củ Mì Trộn Mỡ, bây giờ ít thấy ai làm…
Có lẻ do củ mì nhổ đã lâu, làm bánh hỏng ngon, nên ít làm…?!
Trong dân gian có nhiều món ăn rất ngon, rất lạ…
Mà nếu bạo mồm, bạo miệng, nói đó là những món ăn “đặc sản”…thì…thì…
Cũng thấy… hỏng có sao…

 

NĂM MỚI CHÚC QUÍ ĐỘC GIẢ ĐƯỢC NHIỀU TAM AN

AN CƯ - AN LỘC - AN LẠC


                                   
Chàng Hiu 374 

     

TRANG CHÍNH

Copyright by anloc471.com 2009. All Rights Reserved. Design Ngoc341