Chuyện Lặt Vặt

 

 Vác Kho 

Chuyện LẶT VẶT   -   Cốc Chủ
 
 
Kho là… chỗ chứa gạo, lúa, bắp hột, bột mì… vv… gọi chung là Mể Cốc.
Vác là… vác trên vai bao “mể cốc” từ Ghe lên Kho hay ngược lại…
…Để rồi từ đó, vác nó… xuống Xà Lan (xuất qua Cao Miên) hay vác lên Xe Hơi để chở tới tỉnh hay đem về Vựa Gạo. Từ vựa, gạo chuyển tới Tiệm Gạo, để tiệm bán lẻ từng kí lô gạo cho bà con… chúng ta, nấu cơm, xay bột chiên bánh xèo, làm bánh…
Đó là “vòng tua” mà hột gạo… chạy đều đều, để bao tử ai cũng no nê… phẻ phắng!
Cái việc vác gạo… Ra &Vô & Lên & Xuống… như vậy, gọi là Vác Kho…
Còn trên “giấy tờ”… hễ hột gạo… Ra & Vô… kho, thì viết là Xuất Nhập Kho…
Nếu ai hàng ngày cõng trên lưng bao gạo “sọc xanh” nặng 100 ký chạy ầm ầm qua cây Đòn Dài… rồi còn đi lên Cây Gạo để bỏ bao xuống, thì gọi là Vác Gạo!!!
Ở Sài Gòn, không ai kêu anh em “vác gạo” là Phu Khuân Vác mà kêu là Vác Kho.
Vác Kho là một nghề nặng nhọc, sử dụng tối đa sức lực của bản thân để kiếm sống…
Khi ghe gạo từ Miền Tây cập bến, như Bến Bình Đông chẳng hạn, thì ở kho gạo, luôn luôn có một số đông anh-chị-em vác kho túc trực hàng ngày, để lo chuyện vác gạo nhập kho, nếu ghe gạo cập bến nhiều chiếc quá, thì phải đi kêu thêm người vác, nếu không thì… Kẹt Bến, từ kẹt bến dẩn tới chuyện Kẹt Ghe… là hỏng nên thuốc!
Có một số Chị Em, ước chừng vài ba % cũng làm nghề vác kho như thanh niên trai tráng, những Chị Em nầy… thanh niên nào… yếu yếu… thì mạnh hỏng bằng…(?!)
Ở vùng Chợ Lớn, có nhiều Bến để Ghe Bầu chở gạo cập bến…
Như bến Bình Đông, bến Lê Quang Kiêm, bến Hàm Tử, bến Nguyễn Duy…vv…
Vì lẽ hai bên Bến đều có con đường dầu, cho nên, khi ghe gạo cập bến thì…=>>>
Bao gạo Sọc Xanh có in hàng chữ xanh “Tổng Cuộc Thực Phẩm Quốc Gia” do xếp Minh… làm xếp và bao gạo 100 kí + 1 bao bố…(vỏ bao bố nặng 1 kí-lô) …= >>>
…=>>>…sẽ có chuyện “bao gạo nằm trên lưng người” như sau:
      Khi Ghe Bầu chở gạo từ Miền Tây lên, neo dựa bờ sông để nhập kho:
Thì trong lòng ghe, có hai ông vác gạo… thâm niên trong nghề, đứng “đỡ gạo” trong lòng ghe, cho bao lên vai anh vác gạo, để anh ta vác đi ra đầu ghe để lên bờ…
Từ ghe gạo, anh Vác Gạo lấy 1 Thẻ Kho (để đếm bao) rồi vác bao gạo 101 kí đi lên bờ trên cây Đòn Dài (Đòn Dài là tấm ván gõ hay sao, sến dầy dăm bảy phân tây, bề ngang 5 sáu tấc, dài cỡ 10 thước để bắc từ ghe lên bờ)
Lúc vác gạo lên bờ, không phải 1 người vác gạo đi đòn dài, mà đi kề nhau… xỏ xâu bốn năm người… thành một dây và trên vai có 100 kí gạo…
Do đó, cây Đòn Dài bắc từ ghe lên bờ sông… bị oằn xuống cong vòng, rồi nó nâng lên, lún xuống… hình sin…~ ~ ~…nhịp nhàng như sóng biển theo bước đi, nếu đi lớ quớ là… hụt cẳng té xuống sông…
Nếu mà té xuống sông với 101 ký trên vai, thì hỏng vui tí nào…
Nếu ai không quen “đi đòn dài”, đi một mình đã khó, huống hồ…
… và như vậy mới thấy, dân vác gạo là… dân nhà nghề chính cống bà lang trọc…
Thế rồi lên bờ, nếu trên đường dầu có xe hơi hay xe ba gác chạy, anh chị vác gạo phải… đứng chờ qua đường… với 1 tạ gạo trên vai!!!
Khi băng qua con đường dầu cỡ 10 thước thì vô cửa kho, người vác gạo liền bỏ “cây thẻ kho” ở cửa kho cho bà Kiểm Thẻ đếm bao và anh ta dừng lại, bỏ ngay bao gạo trên vai xuống cái cân bàn, rồi đứng chờ cân lại…
Tại Bàn Cân, có lão Tài Phú già mang kiếng cận ngồi cân để vô sổ số ký lô từng bao gạo, lão già nầy là người thân tín với lão chủ kho, cân bao gạo nào, lão liền viết vô sổ bao đó, ghi vậy, gọi là  “vô phơi”, cứ 10 bao cộng chung thì gọi là một “mã cân”.
Khi vác hết ghe gạo, thì ông cố Tài Phú nầy, báo cho chủ ghe biết nhập vô mấy tấn…
Cũng tại bàn cân, có thêm hai tay “kiểm phẩm” do chủ kho mướn để coi gạo tốt xấu, hai ông cầm cây xăm gạo, xăm vô bao… 2 xăm, để lấy gạo ra coi, coi bao gạo nầy có bị “kinh nứt” nhiều ít hay bị vàng ẩm mốc hoặc đủ độ khô chưa, để có thể cho bao nầy nhập kho hay không, nếu kiểm phẩm không đồng ý, bao gạo nầy bỏ, hỏng nhập cây…
Gạo có ẩm độ 12 % là đủ “chuẩn” để nhập kho, độ ẩm cở trên 13 % gạo dể bị hư.
Sau đó, tại cái cân bàn nầy, cũng có 2 người “đỡ bao” lên vai người vác gạo lần thứ hai, từ đây, bao gạo bắt đầu… lên đường, để “nhập vô cây gạo” để Tồn Trữ….
Bao gạo lại… nằm chình ình trên lưng anh vác kho lần nữa, để anh vác nó đi lên cây dòn dài thứ 2, cây nầy cụt hơn cây đòn dưới ghe chút ít…
Bây giờ, bao gạo theo anh vác kho… leo lên Cây Gạo “cao 18 trái” và anh ta bỏ bao gạo xuống, ở đây lại cũng có 2 ông nhà nghề nữa, chuyên môn “xấp bao” cho cây gạo thành hình kim tự tháp…tà đầu, để cho Cây Gạo cao lên tới… 18 trái…
Cây gạo cao nghều, nhưng không khi nào ngã hay rớt từng bao xuống đất bao giờ.
Vì hình thù cây gạo 4 cạnh “ sắc nét” thẳng đon, y như tháp Kêóp bên Ai Cập!!!
(18 bao gạo để nằm từng lớp, đè lên gốc bao, chồng lên nhau, gọi là cao 18 trái).
Sắp cây như thế nầy, chỉ có nước… thả bom, may ra… mới sập cây gạo…= <><>???
Anh chị vác gạo đi “Đoạn Đường Chiến Binh” nầy, thường có độ dài cỡ 5 bảy chục thước, nếu cây gạo nằm tận gốc kho!!!
Như vậy, Anh chị vác kho quả là… mạnh hơn lực sĩ nâng tạ… ở hội ô-lăm-bít…(?!)
Bởi lực sĩ nâng tạ… đâu có bước đi bước nào, cha lực sĩ chỉ đứng “nâng” tại chổ, còn đàng nầy, vác 101 kí ”đi như chạy” cả buổi trời, để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con!!!
Nhìn toàn cảnh cả mấy trăm người bu đen trong, ngoài cửa kho gạo… giống như bà con đi chơi… hội chợ “kẹt mết” vậy…
Tại đây… mọc ra hai… hàng một… nối đuôi nhau đi ngược chiều =>>>
Một hàng “tay không”… đi bên phải cửa kho, để xuống ghe…
Rồi từ chiếc ghe gạo dưới sông…
Có hàng người “cõng gạo trên lưng” đi vô bên trái cửa kho…
Hai hàng nối đuôi đi ngược chiều, nhưng rất có trật tự lớp lang, khi vác gạo, không ai nói chuyện với ai, đi trong im lặng, không cười cợt vui đùa….
Nhìn cảnh đó… sao nó giống như đàn kiến tha mồi về hang…
Quanh cảnh trên bờ dưới bến trông thật là sống động và… vui vẻ như ngày hội…
Đồ nghề của anh vác kho là tấm vải trắng của bao bột mì và cái móc sắt dùng móc vô bao, để khi đi, bao gạo 100 kí “an vị” trên vai…
Người “làm nghề” lâu năm, bên bả vai, da bị chai cứng một dề bằng bàn tay xòe…
Còn chưn thì bắp chuối nở bự hơn chưn lực sĩ chạy marathon dài 42 cây số…
Không ai đi vác mà bận áo, phải ở trần, vì mồ hôi tuôn ra dầm dề…
Bữa nào trời mưa, phải nghỉ, thì phải vác đêm, vì sợ hôm sau ghe “kẹt bến”…
Vác đêm thì “ăn tiền súp” = >>> là vác 1 bao, ăn công 1 bao rưỡi…
Nhưng anh em ít ai ham, vì vác tới khuya, thì sáng mai… hơi bị mệt, làm sao vác nữa?
Cuộc sống của người lao động, quả là “lấy mồ hôi đổi lấy chén cơm”….
Nghề Vác Kho… là nghề nặng nhọc và rất hao tổn sức lực…
                                                       oOo
 

Ở mỗi bến có kho gạo, như kho gạo Hữu Thành ở bến Bình Đông chẳng hạn… đều có ông thầu hay cai để coi việc phân chia nhân công vác gạo

Ai muốn “nhập toán” vác gạo lên kho, thì tới gặp ông “cai thầu” (như ở bến Bình Đông, kho Hữu Thành là Chú Hai On) để Chú Hai kêu vác ghe nào, ở trong toán nào, vì một ghe mà vác nhiều người vác, thì chia tiền công vác ít đi… và ngược lại…
Còn mấy tay “xâm gạo”… mánh mung thì dùng cây xăm lớn cỡ ngón cẳng cái hay… bự hơn, để lấy gạo xâm… cho nhiều, tay nào… chơi vậy, cuối buổi “làm việc” thằng chả… ẳm nhẹ đem… bán riêng, cỡ 20 ký gạo, khi xăm một ghe 60 tấn =>>>
= >>>>…mà lão chủ kho hỏng nói tiếng nào... thiệt là pò hố…###$$$$$<<<OOO…
                                                            oOo
Gạo để trong kho, phải để trên tấm “pa-lết” cây cho khỏi bị hư, nếu lâu ngày có mọt, thì phải “xông gạo” bằng viên thuốc của Tây Đức, viên màu trắng, bự bằng viên… ma lốc (thuốc trị bao tử) ….
Muốn xông gạo, thì để bốn viên thuốc xông ở 4 gốc cây gạo, trùm kín bạt ba bốn ngày… Thì con chuột cũng chết huống hồ con mọt….
Viết vài hàng… sơ sơ bên trên, để nói về chuyện kho, chuyện vựa của Saigon …
Đại khái là vậy… hỏng dám nói nhiều….

 
                                   
Chàng Hiu 374 

     

TRANG CHÍNH

Copyright by anloc471.com 2009. All Rights Reserved. Design Ngoc341